Review sách Quốc Gia Khởi Nghiệp - Sách Khởi Nghiệp

 Review Sách Quốc Gia Khởi Nghiệp một trong những cuốn sách khởi nghiệp hay nhất mà bất cứ những ai có ý muốn khởi nghiệp nên đọc.

Tác giả:Dan Senor - Saul Singer
Thể loại: Khởi nghiệp
Nhà xuất bản: NXB Thế Giới

Mô tả

Là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Quyển sách này có thể trả lời cho những thắc mắc làm thế nào một đất nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự.

Quốc gia khởi nghiệp


Với ngòi bút sắc sảo, phong phú và tập trung những lời nhận xét thực tế từ những doanh nhân thành công hàng đầu, “Quốc gia khởi nghiệp” đã đem đến những cái nhìn mới mẻ về con người và đất nước Israel, làm sáng tỏ phần nào những thành công tưởng chừng như không tưởng của đất nước nhỏ bé này. Cá tính quyết liệt, dám thách thức và sáng tạo không ngừng của những con người Do Thái lưu vong, chạy trốn và sống sót sau những cuộc thảm sát trong Chiến tranh thế giới thứ II, không cam chịu cuộc sống nghèo khó, họ đã cùng với những người theo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái gây dựng và bảo vệ đất nước Israel bằng chính sức lực của mình và khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Ngày nay, Israel là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới và có lĩnh vực công nghệphát triển không hề thua kém Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. “Quốc gia khởi nghiệp” được xuất bản với hy vọng sẽ đem đến cho độc giả những bài học về khởi nghiệp của một quốc gia luôn có nền kinh tế phát triển sôi động, con người thì luôn hướng đến sự cách tân và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Trích đoạn sách hay

Đánh cắp máy bay
Như những người Hy Lạp giương buồm cùng Jason để đi tìm Bộ lông cừu vàng; những Argonaut Mới, sinh ra ở nước ngoài, là những doanh nhân thông thạo công nghệ, thường đi đi về về giữa Thung lũng Sillicon và quê nhà.

— ANNALEE SAXENIAN —
“Hôm nay” – John Chamber vừa nói vừa sải bước qua sân khấu lớn nhằm minh họa cho luận điểm của mình, – “chúng ta đang thực hiện cú nhảy lớn nhất trong lĩnh vực sáng tạo kể từ khi bộ định tuyến đầu tiên ra mắt 25 năm trước”. Ông nói vào chiếc micro không dây tại hội nghị của Cisco năm 2004 [1]. Dù đang mặc bộ vest doanh nhân, vị CEO 54 tuổi của hãng Cisco – công ty được định giá thị trường lớn hơn cả General Electric trong thời kỳ bùng nổ công nghệ – trông như thể sắp thực hiện một loạt động tác nhảy múa.

Sau khi tạo không khí kịch tính, Chambers tiến đến một vật được che chắn giống tủ quần áo lớn, rồi mở cửa để làm lộ ba chiếc thùng có vẻ phức tạp, mỗi chiếc có kích cỡ và hình dáng giống một chiếc tủ lạnh. Đó chính là CRS-1.
Hầu hết mọi người đều không biết một bộ định tuyến (rounter) là gì, nên có thể gặp khó khăn để hiểu cơn hào hứng của Chambers. Bộ định tuyến tương tự những modem cũ chúng ta dùng để kết nối máy tính với Internet. Nếu Internet giống một dòng sông cuồn cuộn thông tin mà máy tính chúng ta kết nối đến, thì bộ định tuyến chính là nơi giao nhau của những nhánh sông, và cũng là điểm nghẽn cổ chai chủ yếu vốn quyết định năng lực tổng thể của Internet.

Không nhiều công ty có thể chế tạo những bộ định tuyến cao cấp nhất, và Cisco – tương tự như Microsoft đối với hệ điều hành, Intel với bộ vi xử lý, và Google với công cụ tìm kiếm Internet – là kẻ thống trị thị trường này. Trước khi ra mắt, CRS-1 – một thiết bị tốn bốn năm cùng 500 triệu USD để phát triển – đã được sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là bộ định tuyến nhanh nhất thế giới. “Tôi thích hạng mục kỷ lục này vì các con số đều khổng lồ”. Tôi vừa lắp đặt một mạng không dây tại nhà và từng rất hài lòng với tốc độ 54 megabit mỗi giây, song 92 terabit thì quá kinh ngạc”, David Hawksett, biên tập mảng khoa học và công nghệ tại Guinness cho biết [2].

Chữ tera trong terabit nghĩa là “nghìn tỉ”, nên một terabit bằng một triệu megabit. Theo Cisco, CRS-1 có khả năng tải xuống bản in của toàn bộ sách trong Thư viện Quốc hội Mỹ trong 4,6 giây. Nếu dùng một modem dial-up thì việc này phải mất 82 năm.

Khởi xướng viên chính của CRS-1 là một người Israel tên Michael Laor. Sau khi lấy bằng kỹ sư tại Đại học Ben-Gurion ở Beersheba, Israel; Laor làm cho Cisco ở California (Mỹ) trong 11 năm, nơi ông trở thành Giám đốc kiến trúc phần cứng và kỹ thuật. Năm 1997, ông quyết định trở về Israel, còn Cisco thay vì để mất một trong những kỹ sư hàng đầu của mình, đã đồng ý để Laor mở một trung tâm R&D của Cisco tại Israel, cũng là trung tâm đầu tiên ngoài nước Mỹ.

Trong khoảng thời gian này, Laor bắt đầu lý luận về việc cần có một bộ định tuyến khổng lồ như CRS-1. Lúc đó Internet còn rất mới mẻ, nên ý tưởng về thị trường dành cho bộ định tuyến lớn như thế tỏ ra lạc lõng. “Người ta nghĩ chúng tôi bị hâm khi phát triển sản phẩm này bốn năm về trước”, Tony Bates của Cisco phát biểu. “Họ nói chúng tôi no miệng, đói con mắt và hỏi ai mà cần đến công suất lớn đến vậy?” [3]

Laor lập luận chỉ khi Cisco chế tạo được thiết bị này thì thời của Internet mới đến. Vào thời điểm đó, rất khó để hình dung Internet – vốn chỉ mới chập chững với thư điện tử và vài trang Web sơ khai – sẽ bùng nổ theo cấp số nhân cùng với nhu cầu thỏa mãn trong việc truyền tải luồng dữ liệu khổng lồ tạo ra bởi hình ảnh, video và trò chơi điện tử.
Mặc dù CRS-1 là thiết bị lớn nhất từng có của Cisco và là dự án lớn tầm tập đoàn, nhưng nhóm của Laor ở Israel mới đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế cả các con chip lẫn kiến trúc phần cứng cần thiết để mang công nghệ này lên tầm cao mới. Rốt cuộc, khi Chambers hé lộ CRS-1 tại hội nghị năm 2004, ông đã đúng với nhiệt huyết của mình. Với cấu hình hoàn chỉnh, mỗi bộ router được bán với giá 2 triệu USD, thế mà đến cuối năm 2004 đã bán được sáu chiếc. Rồi đến tháng 4 năm 2008, Cisco thông báo doanh số CRS-1 đã tăng gấp đôi trong chưa đầy chín tháng [4].

Năm 2008, trung tâm do Laor mở tại Israel một thập kỷ trước đã có 700 nhân viên. Quy mô của nó đã mở rộng nhanh chóng cùng với việc Cisco thâu tóm chín doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel, nhiều hơn số công ty mà Cisco mua về ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ngoài ra, Cisco còn chi 150 triệu USD đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp khác của Israel, cũng như góp 45 triệu USD vào quỹ đầu tư mạo hiểm nhắm vào Israel. Tổng cộng, Cisco đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua và đầu tư vào các công ty Israel [5].

Yoav Samet, tốt nghiệp từ đơn vị tình báo 8200 tinh nhuệ của quân đội Israel giờ đang phụ trách bộ phận thâu tóm doanh nghiệp của Cisco tại Israel, các nước thuộc khối Liên Xô cũ và Trung Âu cho biết Cisco Israel thuộc những trung tâm nước ngoài lớn nhất của công ty này, cùng với trung tâm Cisco ở Ấn Độ và Trung Quốc. “Nhưng”, ông nhấn mạnh, “ở Trung Quốc và Ấn Độ công việc được hoàn thành thuần túy trên phương diện kỹ thuật, nhưng khi cần đến sự sáng tạo thuần túy và hoạt động thâu tóm doanh nghiệp, Israel vẫn ở vị trí dẫn đầu” [6].

Ít ai ngờ Cisco lại đầu tư sâu rộng như vậy cho Israel, và nếu Michael Laor không quyết định đã đến lúc trở về quê hương, hẳn đội ngũ nhân viên Cisco ở Israel đã không trở thành trung tâm trong hoạt động của tập đoàn. Cũng như Dov Frohman của Intel và nhiều người khác, Laor quyết định thu nhận kiến thức và kinh nghiệm tại Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác để cuối cùng sẽ quay về phục vụ cho lợi ích của tập đoàn đa quốc gia nơi mình làm việc và cho nền kinh tế Israel.

Trong lúc nhiều nước – trong đó có cả Israel – liên tục than vãn về việc bị nước ngoài thu hút các tinh hoa doanh nhân và học giả, thì những người như Michael Laor cho thấy “chảy máu chất xám” không hẳn là đường một chiều. Đúng hơn, giới nghiên cứu môn di cư quốc tế ngày càng nhận ra một hiện tượng họ gọi là “lưu chuyển chất xám”, theo đó người tài sẽ ra đi và định cư ở nước ngoài rồi lại quay về cố hương, chứ không hoàn toàn “bỏ rơi” một trong hai nơi này.

Như Richard Devane viết trong một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố, “Trung Quốc, Ấn Độ và Israel được hưởng nguồn đầu tư hoặc bùng nổ công nghệ trong hơn một thập kỷ qua, và những đợt bùng nổ này được liên kết với nhau bởi sự lãnh đạo từ cộng đồng những người làm việc ở hải ngoại của cả ba nước này” [7].

AnnaLee Saxenian là nhà địa lý kinh tế của Trường U.C Berkeley và là tác giả cuốn The New Argonauts (tạm dịch: Những người anh hùng Argonaut của thời đại mới) viết: “Như những người Hy Lạp giương buồm cùng Jason trong chuyến đi tìm kiếm bộ lông cừu vàng, những người Argonaut mới, sinh ra ở nước ngoài, là những doanh nhân nhuần nhuyễn công nghệ, thường đi đi về về giữa Thung lũng Sillicon và quê nhà”, bà viết.

Bà chỉ ra rằng các khu vực công nghệ đang tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Israel – đặc biệt là hai nước sau – đã vươn lên thành “những trung tâm toàn cầu quan trọng của sáng tạo”, thành quả của họ “qua mặt những nước giàu có và rộng lớn hơn như Đức và Pháp”. Bà quả quyết giới tiên phong cho những biến chuyển sâu sắc này là những người “đã đắm chìm trong nền văn hóa của Thung lũng Sillicon để học hỏi. Điều này bắt đầu vào cuối những năm 1980 với người Israel và Đài Loan, và phải đến cuối những năm 1990 hay thậm chí đầu những năm 2000 mới đến lượt người Ấn Độ và Trung Quốc” [8].

Michael Laor tại Cisco và Dov Forhman tại Intel là những Argonaut kinh điển. Ngay cả khi đang thu nhận kiến thức và địa vị trong các tập đoàn đa quốc gia lớn, họ vẫn nuôi dự định quay về Israel. Khi quay về, họ không những trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Israel, mà còn xây dựng những hoạt động dùng người Israel, vốn tạo ra các bước đột phá quan trọng cho tập đoàn nơi họ làm việc.

Lớp người Argonaut mới, hay sự “lưu chuyển chất xám” – hình mẫu người Israel đi ra nước ngoài rồi quay về nước là một phần quan trọng của hệ sinh thái sáng tạo kết nối Israel với cộng đồng Do Thái hải ngoại (Diaspora). Ngoài ra còn tồn tại một mạng lưới Diaspora khác của những người Do Thái không thuộc quốc tịch Israel.

Phần lớn thành công của Israel có được là nhờ vào mạng lưới Kiều bào hải ngoại (Diaspora) sâu rộng mà các nước khác, từ Ailen, Ấn Độ đến Trung Quốc, cũng đã xây dựng được. Tuy nhiên mối quan hệ chặt chẽ với Diaspora của những người không mang quốc tịch Israel lại không tự dưng mà có, cũng không đóng vai trò chất xúc tác cho sự phát triển của ngành công nghệ Israel. Trên thực tế, cộng đồng người Hoa lưu vong là nguồn đầu tư đóng góp 70% FDI vào Trung Quốc; còn cộng đồng lưu vong của Ấn Độ đã làm được nhiều để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao ở quê hương ngay từ lúc hệ thống pháp lý và kinh tế Ấn Độ vẫn còn chưa phát triển.

Israel có kinh nghiệm khác. Trong quá khứ, đa số các nhà đầu tư Mỹ gốc Do Thái thường không quan tâm đến nền kinh tế Israel. Phải rất lâu sau, khi Israel đã thành công hơn, thì nhiều người Do Thái hải ngoại mới bắt đầu nhìn Israel như một điểm đến để kinh doanh, thay vì một nơi chỉ để làm từ thiện hay biểu lộ lòng từ tâm.

Vậy nên Israel cần phải sáng tạo trong việc sử dụng cộng đồng Do Thái hải ngoại để thúc đẩy kinh tế. Truyền thống của Israel trong việc nhờ cậy cộng đồng Do Thái hải ngoại – vốn nhỏ nhưng tâm huyết – để xây dựng đất nước bắt nguồn từ chính những định chế của nó, chẳng hạn như không quân Israel.
Giấc mơ về một ngành sản xuất máy bay Israel xuất hiện trên một chuyến bay rung lắc qua Bắc Cực vào năm 1951, trong chiếc phi cơ về sau trở thành chiếc máy bay đầu tiên của Hãng hàng không Quốc gia Israel. Cuộc hội thoại giữa hai người có tính cách hoàn toàn khác biệt: Shimon Peres, vị Tổng thống thông thái tương lai của Israel, người vào năm 1951 đã phụ trách việc mua vũ khí cho nhà nước Do Thái mới thành lập; và Al Schwimmer, một kỹ sư hàng không nóng nảy đến từ Los Angeles, là bạn của Howard Hughes và Kirk Kerkorian. Tên của Schwimmer là Adolph, nhưng do bối cảnh Thế chiến II, anh đổi thành Al [9].

Peres và Schwimmer đang ở trên một trong nhiều chuyến bay đến vùng Bắc cực bằng những chiếc phi cơ cũ được mua cho lực lượng không quân non trẻ của Israel. Bay qua Bắc cực là điều nguy hiểm, nhưng họ đành mạo hiểm vì như thế, chặng bay sẽ ngắn hơn – người ta không cân nhắc nhiều khi phải điều khiển những chiếc máy bay đã cũ rời ra.

Al Schwimmer từng làm nghề kể chuyện trước khi bị hấp dẫn bởi ngành công nghiệp hàng không vào những ngày đầu tiên, khi máy bay còn rất mới lạ. Ông đang làm việc cho TWA thì Mỹ tham gia Thế chiến II, và toàn bộ ngành hàng không chuyển sang phục vụ chiến tranh. Tuy không chính thức gia nhập Không lực Hoa kỳ, Schwimmer cùng các đồng nghiệp phi công được cấp quân hàm, đồng phục không quân để làm công việc vận chuyển lính, trang thiết bị và có lúc là các ngôi sao điện ảnh đi khắp thế giới.

Đọc full tại: https://waka.vn/quoc-gia-khoi-nghiep-dan-senor-saul-singer-bZ8LQW.html
Share on Google Plus

Review Sách review sách kinh doanh

Chuyên Review sách: kho sách hay về kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, review sách hay
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét